Phần 2: Những thước phim sống mãi với thời gian về đề tài kháng chiến cứu nước.

Nối tiếp phần 1 với những bộ phim huyền thoại, phần 2 sẽ tiếp tục mang đến cho các bạn những bản hùng ca lịch sử thông qua các thước phim về đề tài kháng chiến cứu nước.

Giải phóng Sài Gòn (2005)

Bộ phim sản xuất dựa trên tác phẩm Sài Gòn – Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn. Phim được đầu tư 12,5 tỷ VND và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm. Bộ phim tái hiện một số sự kiện lịch sử chính trong quá trình quân Giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn, xuyên suốt là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: tiến vào Sài Gòn bằng 5 mũi, chiếm 5 vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng biệt động trong thành phố, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn.

Dòng sông phẳng lặng (2005)

Dòng sông phẳng lặng là một bộ phim truyền hình được thực hiện bởi Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cùng Đài Phát thanh – Truyền hình Thừa Thiên – Huế do Đỗ Đức Thành làm đạo diễn. Phim được phóng tác từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Nhuận Vĩ. Dòng sông phẳng lặng nói về cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (sự kiện Tết Mậu Thân 1968), đồng thời phản ánh lại cuộc chiến cân não giữa ta và địch; giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Bối cảnh chính của phim là ở ven đô và ngoại thành Huế, nhân vật trung tâm là các chiến sĩ biệt động.

Đường thư (2005)

Năm 1967, cuộc kháng chiến vẫn đang diễn ra, Tân và An là hai chiến sĩ quân bưu mặt trận, nhận lệnh vận chuyển một công văn thượng khẩn giữa chiến trường ác liệt. Bằng mọi giá họ phải chuyển mật lệnh của cấp trên đến một đơn vị quân giải phóng đang bị địch bao vây ở cao điểm 861, cách sở chỉ huy nhiều ngày đường. Nếu lệnh đến chậm hoặc không đến được thì cả đơn vị này có nguy cơ bị tiêu diệt. Trên đường đến cao điểm 861, hai chiến sĩ quân bưu – một đã dạn dày trận mạc (Tân) và một là lính mới (An) – đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Phẩm chất gan dạ, mưu trí, dũng cảm và ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ quân bưu được bộc lộ qua việc họ xử lý những tình huống, những trở ngại trên “đường thư”.

Hà Nội 12 ngày đêm (2002)

Hà Nội 12 ngày đêm là một bộ phim của điện ảnh Việt Nam, với mục đích cố gắng khắc họa bối cảnh cuộc chiến đấu chống tập kích bằng máy bay B-52 đánh phá thủ đô Hà Nội và một vài tỉnh lân cận trong chiến dịch Linebacker II.

Biệt động Sài Gòn (1986)

Biệt động Sài Gòn là bộ phim tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong kháng chiến trường kỳ. Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Sống giữa kẻ thù, họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, trực tiếp chỉ huy đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng nan giải, không chỉ trước nòng súng hay làn đạn, mà là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm.

Nguồn: Ngọc Trang Đinh – Maybe You Never Watched This Movie.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *